Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Mèo và Chuột

Mèo và Chuột

Đời xưa, chuột vốn là một giống linh thiêng ở trên Trời. Trời giao cho nó giữ chìa khóa kho lúa của Trời. Nhưng chuột không phải là một loài đáng tin cẩn, nhận được giữ chìa khóa, cứ tự do đến mở kho rủ nhau vào ăn rả rích hết bao nhiêu là lúa.

Sau Trời biết, lấy làm giận lắm, mới không cho ở trên ấy nữa, mà đuổi xuống dưới hạ giới để sai giữ chìa khóa lẫm thóc của nhân gian.

Nhưng chứng nào tật ấy, chuột lại rủ nhau vào lẫm thóc của người rả rích ăn no nê. Đến nỗi người phải có câu than rằng:

"Chuột kia xưa ở nơi nào ?
Bây giờ ăn lúa nhà tao thế này ?"

Người lấy làm chua xót, mới kêu với vua Bếp. Vua Bếp liền bắt nó đem lên trả Trời và tâu rằng:

- Chuột này vốn chuột của Thiên Đình, sao Thiên Đình lại thả nó xuống hạ giới ?

Trời nói:

- Ừ, trước nó ở trên này giữ chìa khoá kho thóc cho ta. Nhưng bởi nó ăn vụng lúa của ta nhiều lắm nên ta không cho nó ở trên này, ta đuổi nó xuống hạ giới cho nó giữ lúa ở dưới ấy.

Vua Bếp tâu:

- Nó xuống dưới ấy nó lại ăn vụng lúa hại lắm. Bẩm,chúng con thiết nghĩ: lúa của Trời nhiều, lúa của người ít, của Trời nó ăn không hết chớ của người nó cứ ăn mãi, thì có ngày hết cả, người đến chết đói mất. Vậy xin bây giờ lại cho nó lên trên Trời là phải.

Trời nghe tâu, phán rằng:

- Không được. Ta đã đuổi nó đi cho xa, ta không thể cho nó lại lên đây nữa. Thôi bây giờ có một cách: Ta có một con mèo, ta cho chú đem xuống hạ giới để khi nào chuột nó ăn lúa của nhân gian thì thả mèo ra cho nó bắt chuột, rồi gầm gừ ăn chuột đi, còn khi nào nó không muốn bắt chuột, thì chú bảo con mèo cứ kêu với con chuột rằng: "Nghèo, nghèo, nghèo", thì chuột nó cũng sợ mà nó phải bỏ đi.

Vua Bếp lạy tạ, rồi lại đem chuột và cả mèo xuống hạ giới. Rồi cứ theo như lời dạy mà làm.

Thành thử bây giờ khi nào mèo rình bắt được chuột, rồi mèo cứ "gầm gừ, gầm gừ" và khi nào không bắt được chuột thì mèo ngồi kêu: "nghèo, nghèo, nghèo, nghèo"...

Nhưng lúc ấy, mèo ngồi nghĩ lại, mới lấy làm giận vua Bếp, vì tại vua Bếp mèo mới phải xuống dương gian. Nhưng không làm gì nổi vua Bếp, mèo chỉ còn cách thỉnh thoảng vào giữa đống tro bếp để phóng uế.

Công và Quạ

Công và Quạ


Xưa con công với con quạ làm bạn với nhau thân lắm, vì hai con cùng xấu cả. Một hôm Công và Quạ ngồi nói chuyện với nhau, Quạ bảo Công rằng:

- Thử xem, các giống chim trên rừng, trên núi, giống nào cũng đẹp. Này như: con phượng hoàng, cái mình nó quý giá biết bao, đến nỗi người ta thường khen: "Một cái lông con phượng hoàng bằng cả một làng chim chích". Còn như con hạc, cái hình, cái dạng, cái chân, cái tóc nó thanh tao biết bao, để cho người ta phải nói: "Hạc đứng chầu Vua", "Nghìn năm tóc bạc, tuổi rùa càng xinh". Còn như anh em ta đây! Than ôi! Thân hình thật không còn giống nào xấu bằng nữa.

Công nói:

- Phận xấu đành vậy, chớ biết làm sao bây giờ?

Quạ nghĩ một lúc rồi bàn rằng:

- Xấu mà làm ra đẹp, cũng được chớ gì! Bây giờ hai đứa ta thử tô điểm vẽ vời lẫn cho nhau xem có đẹp hay không?

Công bằng lòng.

Quạ bèn tô điểm, vẽ vời cho Công trước. Quả nhiên cái mình, cái đuôi Công lóng lánh, có bao nhiêu màu sắc đẹp, đẹp hơn những giống chim khác nhiều.

Đến lượt Công ngồi tô điểm, vẽ vời cho Quạ, thì chợt nghe tiếng ríu rít, biết bao nhiêu chim con ở phía đông bay lại.

Quạ liền hỏi :

- Các bạn đi đâu mà kéo đàn, kéo lũ như thế?

Đàn chim nói:

- Chúng tôi nghe đồn ở dưới phương nam có thật nhiều gạo, nhiều gà, và rất nhiều đồ ăn ngon khác.... Chúng tôi rủ nhau đi kiếm ăn đây. Anh làm gì đấy? Hay ta cùng đi một thể?

Quạ nghe nói, trong lòng háo hức muốn đi theo đàn chim kia ngay lập tức. Quạ mới nói với Công rằng:

- Bây giờ mà tôi ngồi đợi để cho anh tô điểm vẽ vời, thì chưa biết đến bao giờ mới xong. Thôi, hay sẵn cả đĩa mực đây, anh cứ cầm thế mà đổ lên mình tôi để tôi đi theo bọn kia, kẻo lỡ mất một dịp may kiếm ăn tốt.

Công thấy Quạ bảo thế, chiều ý làm theo, cầm cả đĩa mực dốc vào mình Quạ. Thành bao nhiêu lông cánh của Quạ toàn một màu đen như mực.

Quạ bay đi kiếm ăn không còn nghĩ gì đến xấu với đẹp nữa. Nhưng đến lúc ăn no trở về, quạ thấy con cò trắng muốt bay qua trông thấy nó mà cười. Quạ tức lắm, bèn ngắm lại mình thì ôi thôi... Quạ thấy mình đen thui thủi, thiệt xấu xí, thẹn quá bèn bay đi trốn..

Từ đó, không ai còn thấy Quạ đâu nữa, trừ ở những nơi hoang dã vắng vẻ.

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Cái cân thủy ngân

Cái cân thủy ngân

Ngày xưa, có một nhà làm nghề buôn bán, gian tham chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết. Khi cân hàng bán cho người ta thì dốc cán về đằng móc, còn khi cân hàng mua của ai thì dốc cán cân về đằng quả. Như vậy một cái cân vừa nặng vừa nhẹ được, và bao giờ phần lợi cũng về mình.

Không bao lâu nhà ấy trở nên giàu có, vì buôn bán lọc lừa. Nhà này sinh ra được hai đứa con mặt mũi khôi ngô, học hành thông thạo. Thiên hạ ai nấy đều khen là nhà có đại hồng phúc. Một hôm hai vợ chồng ngồi bàn với nhau: "Nhà ta bây giờ đã giàu có nhiều, lại được hai đứa con khôn ngoan học giỏi. Bây giờ ta đem phá bỏ cái cân điên đảo kia đi, để dành đức lại cho con về sau".

Bàn xong hai vợ chồng thuận tình làm lễ sám hối, trên thì cúng Phật, dưới cáo cùng tổ tiên, rồi đem cái cân ra chẻ. Khi chẻ ra, thì thấy trong cái cân có đọng một cục máu đỏ.

Từ đó hai vợ chồng bảo nhau ăn ở tu nhân tích đức, tránh điều dữ, làm điều lành. Nhưng cách đó hai tháng, bỗng một hôm một đứa con lăn ra chết, rồi không bao lâu, đứa con còn lại cũng lăn ra chết nốt. Hai vợ chồng kêu gào khóc lóc thảm thiết, nghĩ rằng mình đã có bụng cải ác vi thiện mà Trời Phật không chứng quả. Rồi hai vợ chồng rầu rĩ khổ sở, cứ ngồi than dài thở vắn, không buồn động đến việc gì nữa.

Một đêm, hai vợ chồng cùng nằm mơ có ông Bụt đến bảo rằng: "Vợ chồng hãy nên lo toan làm ăn tu tỉnh lại, chớ vội ngồi vậy mà trách Trời không có mắt. Trước Trời thấy chúng mày buôn bán lọc lừa, Trời đã sai hai con quỷ xuống đầu thai phá tan cho hết những của phi nghĩa chúng mày chắt bóp nhặt nhạnh bao nhiêu năm nay. May mà chúng mày sớm biết hối hận, cải tà quy chánh, tránh dữ làm lành, Trời mới sai bắt hai con quỷ ấy về. Đừng thương tiếc chúng nó làm chi nữa. Chúng mày cứ ăn ở ngay lành rồi Trời lại đền cho hai đứa con khác để ngày sau mà nhờ".

Hai vợ chồng biết thế, không thương khóc con nữa, lại làm ăn như cũ, và lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm, cố gắng làm bao nhiêu điều từ thiện, phúc đức. Quả nhiên sau lại sinh được hai đứa con trai khác. Hai đứa con hiền lành tử tế, văn hay chữ tốt, rồi sau lớn lên, làm cho cha mẹ được vẻ vang sung sướng trong cảnh già.

Gươm Ông Tú

Gươm Ông Tú

Năm ấy, có một tên bạo chúa ở vùng biển xa bỗng nhiên kéo quân đánh lên vùng rừng núi của người Bana.

Quân của chúng đi tới đâu, lập tức rừng xanh trở thành khoảng trắng, nương rẫy thành bãi sỏi đá, buôn làng thành đất bằng. Bọn chúng thi nhau chém giết, bức ép dân làng, bắt hết trâu, bò, heo, gà; cướp sạch lúa, bắp, chiêng ché, nốc cạn rượu ngon, mật ngọt, đốt trụi cả cửa nhà.

Người người căm hờn. Núi rừng cũng bừng bừng nổi giận. Dân khắp các Tơ-ring
(*)
trăm miền rừng núi đều một lòng một dạ đứng lên cầm khiên dao chống kẻ thù. Nhưng quân giặc đông, thế giặc mạnh, dân chống không nổi. Buôn làng quằn quại đau thương.

Giữa lúc ấy, ở một buôn nhỏ trong rừng sâu, có một bà tên là HơBia Đát. Một hôm, bà Đát làm rẫy mệt quá, lẩn vào một gốc cây ngồi nghỉ. Nắng trưa như đổ lửa, bà khát quá muốn tìm nước uống. Chợt trông thấy một vũng nước trong vắt sau gốc cây, bên khe đá, bà vội chạy đến cúi xuống uống một hơi. Nước mát thấm đến ruột gan. Nhưng vừa uống xong, đứng dậy, bà lấy làm lạ vì bụng nặng chình chịch và cứ to ra mãi. Rồi chỉ ba tháng sau, bà đã trở dạ và sinh được một đứa con trai. Đứa bé ăn rất khỏe và lớn nhanh như thổi, chẳng bao lâu đã trở thành một chàng trai có sức khỏe lạ thường. Nhìn quê hương bị quân thù tàn phá, lòng chàng căm thù vô hạn. Chàng bèn xin mẹ, từ giã buôn làng đi khắp đó đây, tìm theo những người tài giỏi để đi giết giặc. Nhưng đi mãi, đi mãi, qua bao nhiêu buôn làng, bao nhiêu ngọn núi, chàng vẫn chưa gặp ai có tài sức đánh đuổi được kẻ thù. Càng đi nhiều, càng thấy những cảnh đau thương, tang tóc của nhân dân, chàng càng nóng lòng gặp được người tài để hợp lòng giết giặc.

Uất ức, căm hờn nhưng không biết tính sao, chàng trai dậm chân xuống đất, ngẩng mặt lên trời mà than rằng:

- Ơ ông trời, sao chẳng giúp ta rửa sạch thù này?

Chàng vừa dứt lời thì lạ thay, bầu trời đang quang đãng bỗng nhiên tối sầm lại, mây đen kéo đầy, dông bão nổi lên. Và một tiếng nổ rung trời chuyển đất làm núi đồi lảo đảo, rừng rú ngả nghiêng, đất sụt, chàng trai ngã xuống một hố nước nóng sâu thẳm, hơi bốc lên mù mịt. Vùng vẫy trong nước, chàng cố sức ngoi lên. Khi chàng ngụp đầu để bơi thì chợt thấy một vật đen đen, dài dài chìm trong sóng nước. Lấy làm lạ, chàng bèn lặn hẳn xuống, dùng răng cắn chặt lấy vật đó và bơi thẳng lên bờ. Và chàng nhận ra vật đó là một thanh thép quý. Từ lúc thanh thép được mang lên bờ, nước hồ bỗng nguội đi, sương mù cũng tan hết và đất trời lại sáng sủa như thường.

Chàng sung sướng ngắm vuốt thanh thép còn bốc khói và trong bụng thầm cảm tạ thần linh đã ban cho chàng một báu vật. Chàng vác thanh thép chạy thẳng đến nhà một người thợ rèn ở gần đấy. Chàng nhờ bác thợ rèn, rèn ngay cho mình một thanh gươm để đi đánh giặc. Nghe nói thế, bác thợ rèn vội vã làm ngay. Bác cho thanh thép vào lò, nung suốt ngày, từ sáng đến tối, đốt hết cả than mà thanh thép vẫn trơ ra không đỏ. Chàng trai cùng dân buôn phải kéo đi đốt hết cả một cánh rừng già, lấy cây đốt thành than, đem về cho bác thợ rèn nung thép. Đến đêm hôm thứ bảy, khi khối than khổng lồ cháy gần hết thì thanh thép mới đỏ và bỗng nhiên đỏ rực như mặt trời. Và dưới tay búa lành nghề của bác thợ rèn, thanh thép đỏ phút chuốc đã trở thành lưỡi gươm sắc và sáng quắc.

Các bác thợ mộc trong khéo tay nhất trong vùng cũng kéo đến, chia nhau đi tìm gỗ gáy về làm chuôi và vỏ gươm. Xong xuôi họ nâng thanh gươm trao cho chàng trai con của HơBia Đát. Chàng nhận gươm và lập tức trút ra khỏi vỏ. Một tia sáng chói lòa phóng ra. Mọi người dạt ra, lấy tay che mắt cho khỏi chóa. Gươm hoa lên, tỏa muôn ánh hào quang làm mờ cả ánh sáng mặt trời. Mặt trời cũng chói mắt liền kéo mây che kín mặt. Mặt đất tối sầm, gió bão nổi lên, sấm sét gầm thét ầm ầm.

Chàng trai con của HơBia Đát múa gươm xông thẳng đến kẻ thù. Trong gió bão, dân các nơi cũng cầm khiên đao, cung nỏ hò reo xông tới. Sấm sét cũng chạy theo gươm thần, gầm vang liên tiếp bổ xuống quân thù. Lưỡi gươm của chàng trai vung tới đâu, quân giặc tan tới đó. Chỉ trong một đêm, lũ quân hung bạo và tên bạo chúa đều bị giết dưới lưỡi gươm thần.

Đánh tan giặc rồi, dân làng reo mừng kéo về dựng lại nhà rông, sửa sang lại buôn làng, nương rẫy. Chẳng bao lâu, khắp mọi vùng đều làm ăn thịnh vượng và chàng dũng dĩ, con của HơBia Đát năm xưa đã thành một ông già râu tóc trắng như bông. Dân làng nhớ ơn nên rất quý trọng ông già, coi ông là ngôi sao sáng trên trời cao. Do đó mọi người gọi ông là ông Tú và gọi lưỡi gươm diệt trừ bạo chúa là Gươm ông Tú.

Một hôm, ông Tú bị ốn nặng, dân buôn hết lòng chạy chữa nhưng ông không khỏi. Biết mình sắp chết, ông Tú liền đem thanh gươm thần ra, thả xuống hồ nước do đất sụt năm kia, để trả lại cho thần linh. Sóng nước nhận gươm, sôi lên sùng sục. Mặt hồ lại bốc khói mịt mù.

Đời sau truyền lại rằng, ở hồ nước đó, người Kinh đã mò được vỏ gươm, người Khơme mò được chuôi gươm, còn chính người Bana thì mò được lưỡi gươm. Người ta còn nói rằng, nếu lắp thanh gươm thần lại trọn vẹn thì sức mạnh của nó sẽ không có gì địch nổi.

Nàng Bia Nát

Nàng Bia Nát

Ngày xưa, có gia đình ông bà Hơ Rô sinh được tám con gái. Tám cô đều xinh cả, nhưng đẹp nhất và tốt nhất là Bia Nát, cô gái út.

Một hôm ngồi khâu với tám cô gái bên bờ suối, bà Hơ Rô hỏi:

- Sau này, các con muốn làm dâu ai?

Các cô tranh nhau trả lời. Cô cả thích làm dâu nhà ông Hoan giàu có. Cô hai muốn làm dâu nhà ông Bua nhiều trâu, nhiều ngựa… Cho đến cô thứ bảy, cô nào cũng muốn làm dâu nhà chủ làng. Bà Hơ Rô thích lắm. Bà nghĩ như thế, không những các con bà sau này sẽ giàu có mà nhà bà cũng được nhiều trâu, nhiều voi, nhiều ngựa… Nhưng khi hỏi đến nàng út thì cô bảo là cô thích lấy một anh đốt than. Nghe vậy, bà Hơ Rô tức lắm. Bà liền mắng con:

- Mày khôn hơn con thỏ, con nai, sao mày lại muốn theo một thằng đốt than?

Bia Nát không nói gì, nàng cứ ngồi yên khâu vá. Thấy thế, bà Hơ Rô càng tức:

- Con thỏ sắp bị con cọp ăn thịt rồi đó. Con nai cũng sắp bỏ núi rừng rồi, còn mày thì đợi gì nữa mà không đi theo thằng đốt than!

Nói xong, và ném cho con gái một cục vàng, rồi đuổi nàng đi. Bia Nát thấy mẹ không thương mình, các chị cũng lánh mặt, nàng liền nhặt cục vàng xách thúng khâu ra đi. Nàng quyết tìm được một chàng đốt than để lấy làm chồng. Nàng đi mãi vào rừng sâu, đi đến đâu cũng chỉ thấy núi non, cây rừng, hoa lá, còn chàng đốt than thì chẳng thấy đâu. Nàng cất lời hỏi rừng xanh, hỏi suối sâu. Con nai, con chồn không biết trả lời, con bướm, con sâu cũng im lặng. Ngày nàng đi lang thang. Tối nàng trèo lên cây ngủ, đói thì ăn quả, khát thì uống nước suối. Một hôm đi xa, mệt quá, nàng ngủ thiếp đi bên một gốc cây to. Trong giấc ngủ nàng mơ thấy một ông già râu tóc bạc phơ, chống gậy đến bên nàng và bảo:

- Con hãy đi tìm khói. Cứ đi theo khói thì sẽ gặp được người mà con muốn.

Khi tỉnh dậy, nàng lại đi. Gặp con chim, nàng hỏi:

- Chim ơi! Chim bay khắp chim có thấy ở đâu có khói không?
- Cô đi nữa đi, đi nữa đi, sắp đến chỗ có khói rồi đấy!

Đi đuợc một đoạn, nàng lại gặp chú thỏ. Thỏ dẫn đường cho nàng đi. Một lát sau, nàng gặp được khói. Từ đàng xa, đã thấy một đám khói trắng xóa. Nàng đến gần, đám khói đó chính là đám khói đốt than. Người đốt than là một chàng trai khỏe mạnh. Nàng nhìn anh từ đầu đến chân. Người tầm thước, ngực nở, đùi to, mắt đen. Trông thấy Bia Nát, chàng trai cất tiếng hỏi trước:

- Ơ cô gái đẹp đi đâu đó?
- Tôi đi chơi.
- Đi chơi sao lại mặc áo đẹp thế?
- Áo đẹp rồi áo cũng xấu đi thôi!

Anh đốt than không biết Bia Nát đên đây có việc gì, anh cứ đứng nhìn mãi.Thấy vậy, Bia Nát liền nói:

- Anh nhìn gì tôi mà nhìn kĩ vậy, tôi có đẹp gì đâu. Anh nhìn kia kìa, hoa trên cành còn đẹp biết mấy, những con thỏ, con chim kia còn đẹp biết mấy.

Anh đốt than nhìn theo ngón tay chỉ của Bia Nát không hiểu nàng định nói gì. Bia Nát bảo anh hãy nghỉ tay, hút thuốc, uống nước. Anh kêu lên:

- Tôi không đùa đâu!

Bia Nát cũng nói:

- Tôi có đùa với anh đâu. Nhà anh ở đâu?
- Nhà tôi ở chân núi đằng kia.
- Bây giờ em mang gùi cho anh, anh mang thúng khâu cho em, ta đi về nhà anh.

Anh đốt than cũng chưa hiểu nàng định làm gì, nói gì, nên bảo:

- Ơ! Cô gái đẹp, lạ quá! Tôi không dám đùa đâu, đừng mang gùi than của tôi đi mà lấm váy, bẩn chân, bẩn da trắng đẹp của cô.

Bia Nát không nói gì cứ mang gùi than đi trước, chàng đốt than đành lủi thủi mang thúng khâu của nàng đi theo sau. Về đến làng, mọi người hỏi, anh không đáp. Lúc tới nhà, anh bảo cô gái:

- Nhà tôi che bằng vỏ cây, lợp bằng cỏ dại. Nhà tôi không có chỗ nằm, chỉ có một giường thôi. Giường của tôi làm bằng cây lau, cây sậy, con nai con thỏ cũng không nằm được.

Tối đến, Bia Nát cứ lên giường đó ngủ, anh đốt than đành ngủ dưới đất. Bia Nát gọi chàng lên giường ngủ chung, chàng không dám. Đến giữa đêm, gió núi nổi lên rét lắm, chịu không nổi, chàng đành phải lên giường nằm với nàng. Và từ đó hai người thành vợ chồng.

Hai người sống chung với nhau rất thuận hòa. Một hôm, Bia Nát mang than đi đổi muối. Ở nhà, thấy có gà rừng vào sân ăn lúa, chàng liền lấy cục vàng ném gà. Khi Bia Nát về, tìm không thấy cục vàng thì òa lên khóc. Thấy vậy, anh đốt thanh liền hỏi:

- Làm sao em khóc?
- Mất cục vàng trong thúng rồi!
- Tưởng thứ gì, chứ thứ ấy thì ở chỗ anh đốt than có nhiều lắm.

Đêm hôm ấy, hai vợi chồng ngủ ngon và sáng mai, khi gà rừng vừa dậy, hai vợ chồng dậy mang gùi ra đi.

Người chồng bảo:

- Em Bia Nát này, anh không biết loại đá ấy quý như thế nào, chỗ anh đốt than có nhiều loại đá ấy lắm.

Đến hang đá, chàng chỉ cho nàng chỗ đá màu vàng. Nàng nhặt vàng bỏ vào gùi mang về. Mang xong chuyến này, hai vợ chồng lại đi gùi chuyến khác cho hết ngày hôm đó. Từ hôm ấy, Bia Nát mang vàng xuống chợ đổi lấy các thứ cần thiết.

Một đêm, nằm ngủ, Bia Nát thấy ông già râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc đến bảo:

- Con muốn cho chồng con trở thành người đẹp thì con hãy lấy lúa giã nhỏ, cả trấu cũng giã nhỏ, rồi đem đổ lên chính tàu lá chuối to. Con bảo chồng con nằm lên đống bột. Con phủ kín bột khắp người nó, trừ mắt, mũi, miệng. Đúng ba ngày, ba đêm, con bảo chồng con dậy đi tắm, thế là được.

Sáng hôm sau, Bia Nát làm y như điều trong mộng. Quả nhiên, chồng nàng trở thành một chàng trai đẹp lạ thường. Trong khi chồng đi tắm, Bia Nát đã nhờ chim, nhờ voi trong rừng đến giúp làm xong ngôi nhà. Chồng đi tắm về đã thấy có nhà mới, liền hỏi:

- Ơ em Bia Nát, nhà ai mà đẹp thế?
- Nhà của anh và của em đấy!

Người chồng sung sướng lắm vì suốt đời anh chỉ chui rúc trong túp lều rách. Bây giờ anh mới biết Bia Nát là người tài giỏi. Bia Nát bảo chồng đem vàng chia bớt cho bà con láng giềng để mọi người đổi lấy những đồ cần thiết cho mình.

Bây giờ hai người mới nghĩ đến làm lễ cưới. Bia Nát đi mời bố mẹ và các chị đến, nhưng chẳng ai thuận đi. Bia Nát phải bảo chồng đi mời. Người chồng mặc khố thêu chỉ đỏ, mình khoác chân vàng, cưỡi ngựa trắng đi mời bố mẹ và các chị vợ đến dự lễ cưới. Bố mẹ Bia Nát nhìn thấy chàng, liền bảo:

- A, chồng Bia Nát không phải là một thằng đốt than đâu!

Được con rể và em rể về mời dự đám cưới, cha mẹ và các chị của Bia Nát mừng lắm, nhận lời đi ngay.

Đến nơi thấy vợ chồng Bia Nát giàu có, ai cũng ngạc nhiên. Người mẹ đến bên cạnh con gái hỏi:

- Con còn giận mẹ nữa không?

Nàng không nói gì. Nàng mời mẹ và mọi người lên nhà. Bà mẹ đi sát bên con lại hỏi:

- Chồng con có phải là một thằng đốt than không?
- Đúng rồi! Chồng con là người đốt than đó.

Rồi nàng kể cho mẹ nghe mọi chuyện. Nghe xong bà mẹ lấy làm xấu hổ và hối hận

Tiều A Lé

Tiều A Lé

Có hai vợ chồng một ông già nọ ngày đêm buồn phiền vì không con. Một buổi lên nương, ông bà bỗng thấy một đứa bé ốm yếu, khắp người chi chít ghẻ lở, nằm khóc oa oa bên đường. Bà già nói với chồng:

- Ai đem con ném ở đây chắc là ý Giàng muốn cho ta.

Ông lão gật đầu, bảo bà vợ ẵm đứa bé về nhà nuôi. Họ đặt tên cho nó là Tiều A Lé.

Hai vợ chồng ông già rất mực yêu thương đứa bé. Có bao nhiêu của cải dành dụm được bấy lâu nay, họ đều đem ra đổi lấy gạo, muối, thịt cá để nuôi Tiều A Lé. Những ngày nắng cũng như mưa, bà già đều ẵm cậu bé trên tay, còn ông già lặn lội khắp nẻo suối khe kiếm thêm con ốc, con cua khe về nuôi bé.

Tiều A Lé ngày một lớn lên, nhưng vẫn ốm yếu, oặt oẹo và ghẻ lở, mụn nhọt đầy người. Hai ông bà đã đem nồi đồng, bạc nén đi đổi lấy thuốc chạy chữa mà ghẻ lở ở người Tiều không bớt đi được chút nào. Chạy hết các thứ thuốc, ông bà lại đi mời hết thầy mo gần, thầy mo xa, thầy mo lạ, thầy mo quen đến cúng, mà bệnh tình A Lé vẫn không giảm bớt.

Mười lăm mùa rẫy đi qua, thân thể Tiều có dài ra, mồm Tiều có nói năng được nhưng vẫn phải nằm liệt giường. Lúc ăn, lúc uống, ông bà già phải bón từng miếng cơm, đưa từng ngụm nước.

Của cải trong nhà vơi dần, hai ông bà tuổi ngày một cao, còn sức ở chân, ở tay đã hết. Những ngày động trời, những đêm giá rét, ông già ôm ngực ho khù khụ, còn ở góc nhà thì bà lão rên hừ hừ.

Rồi một đêm rét mướt, ông già cất giọng khàn khàn yếu ớt, bàn với vợ:

- Bà nó à! Ta hết lòng thương con, nhưng liệu có sống được mà nuôi nó nữa không?

Bà già run rẩy trả lời:

- Vợ chồng mình chết, e nó cũng chết theo mất thôi! Nên làm sao bây giờ ông ơi!

Suy nghĩ hồi lâu, ông già bảo vợ:

- Bà nó à! Mình già mình chết! Nó còn trẻ phải để nó sống chứ!
- Biết vậy, nhưng liệu có ai chịu nuôi nó?

Bàn đi tính lại mãi, cuối cùng hai ông bà quyết định sẽ đổi căn nhà của mình lấy một chiếc bè. Có bao nhiêu thức ăn, vật dụng trong nhà, họ chuyển cả lên bè và đặt Tiều A Lé lên đó, rồi thả cho trôi theo dòng nước để may ra có bến thương, bến quý nào nhận nuôi nó lớn lên thành người.

Việc bàn bạc đó được thực hiên. Đứa bé A Lé ra khỏi bến quen, ông bà quay về bản cũ, nằm ngủ trên nền nhà trống. Họ ngủ một giấc dài và không bao giờ dậy nữa.

o0o

Chiếc bè đưa Tiều A Lé xuôi mãi theo dòng nước, đến mấy tuần trăng thì dạt vào một bến lạ.

Bến ấy là của một bản đông người, nhà ở rải rác trên một triền núi dài, nhiều như cả một đàn voi đứng giữa đồi tranh.

Người trong bản đi lấy nước trên bến thấy chiếc bè lạ đều tò mò dòm ngó. Thấy một chàng trai bẩn thỉu nằm trên bè, người ta xỉ mũi, khạc nhổ, lấy sào đẩy bè ra giữa dòng cho nó trôi đi. Nhưng mỗi lần chiếc bè bị đẩy ra giữa dòng nước, chỉ xoay xoay rồi lại dạt vào bến cũ.

Mỗi lần có người xuống khe lấy nước, Tiều A Lé thường ngả tay xin ăn. Con trai, con gái, người già, người trẻ nghe tiếng nó xin xỏ, đều quay mặt đi, vội lánh xa.

Chuyện chiếc bè lạ chở một người ghẻ lở, bẩn thỉu dạt vào bến, lọt đến tai A Nha giàu có. A Nha cho tôi tớ xua đẩy chiếc bè đi, nhưng cũng như mọi vận, chiếc bè bị đẩy ra rồi lại xoay vào chỗ cũ.

Cô con gái út A Nha nghe tôi tớ về bàn sự lạ cùng tò mò lấy cớ xách bầu đi múc nước để xem sao. Vừa đến gần bờ cô gái đã nghe tiếng gọi từ trên bè:

- Cô gái ơi, cho tôi xin ngụm nước.

Thấy chàng trai đau ốm tội nghiệp, lại đang bị hất hủi, cô gái rủ lòng thương, múc ngay cả một bầu nước đầy, đưa lên bè cho anh ta.

Tiều A Lé uống nước xong, lại nói:

- Tôi đói quá. Cô gái cho tôi ăn với!

Nghe chàng trai nói vậy, cô gái ton tả trở lại nhà mang típ(1) cơm của mình đem xuống cho A Lé. Được cơm, anh ta lại kêu:

- Tay tôi nhức buốt quá, không đưa cơm vào miệng được, biết làm sao cô gái ơi!

Chần chừ một lúc, cô gái bước bạo lên bè bón cơm cho chàng trai ghẻ lở ăn.

Chuyện cô gái út A Nha cho chàng trai lạ ghẻ lở uống nước, ăn cơm chẳng mấy chốc từ mồm người này truyền sang tai người kia, lan ra khắp bản và đến tai A Nha. A Nha giận lắm, vừa thấy mặt con gái út dưới chân thang sàn, A Nha đã quát xua đuổi, tiếng quát vang như cọp gầm:

- Đứa con mất nết kia! Mày đã dây bẩn rồi! Tao không cho mày lên sàn, không nhận mày làm con tao nữa!

“Giúp đỡ người bệnh hoạn, đau ốm mà là mất nết sao? Cái lí đúng không như lời cha bảo đâu!” Cô gái út toan cãi lại, nhưng thấy nét mặt hầm hầm của cha, tay cha lại đang lăm lăm ngọn giáo, nên cô cúi đầu, quay ngoắt người đi thẳng về bến nước.

Dân bản nghe A Nha to tiếng đều kéo đến bây kín dưới chân dàn. Nghe A Nha mắng nhiếc cô gái út, có kẻ thương, có người giận, những chẳng ai dám nói một lời bênh vực. Cả những kẻ xấu bụng đã từng mách lẻo chuyện cô gái thương thằng ghẻ, giờ thấy cô lầm lũi đi xuống bến nước, cũng cúi gằm mặt, băn khoăn.

Cô gái leo thẳng lên bè của Tiều A Lé và đẩy bè ra giữa dòng rồi cô nói với anh ta:

- Anh cho tôi ở nhờ với. Cha tôi đuổi tôi ra khỏi bản rồi!

Lần này, chiếc bè ra giữa dòng chảy thì trôi xuôi chứ không lộn quẩn trở lại như trước nữa. Nghe cô gái bảo vậy, Tiều A Lé liền nói:

- Cô muốn ở thì ở chứ tôi chẳng giúp gì được cho cô đâu. Tôi ốm đau, ghẻ lở thế này…

Cô út chỉ chớp mắt, im lặng, mắt nhìn theo con nước đang đưa chiếc bè trôi miết về xuôi. Cô gái út lo lắng, không biết chiếc bè sẽ đưa mình đến bến bờ nào?

Chiều hôm đó, chiếc bè dạt vào một bờ vắng và mắc cạn luôn ở đó. Tiều A Lé hỏi cô út:

- Cô đi với tôi không sợ sao?

Cô út trả lời ngay:

- Sợ kẻ đau yếu, bệnh tật ư? Không! Tôi đi theo vì thương anh thôi.

Tiều A Lé lại hỏi:

- Tôi có gì cho cô ăn đâu?

Cô út bảo:

- Ơ! Rừng của Giàng lắm củ, lắm trái. Con khỉ trên cây, con cá dưới nước có ai nuôi chúng đâu.

Tiều A Lé vặn lại:

- Cô đi trên bè tôi, mong tôi chết để lấy bè à?

Cô út rơm rớm nước mắt bảo:

- Anh nghĩ thế à? Tôi thương anh đem hai bàn tay đến để nuôi anh đấy chứ!

Tiều A Lé quay mặt đi.

Cô gái thấy thế cũng không nói gì thêm nữa. Cô nhảy lên bờ, bứt lá chuối, bẻ cây đem về làm tạm một cái mái che bè. Làm xong thì trời sắp tối, áo váy của cô út bị rách tơi tả. Tiều A Lé nhìn cô gái hồi lâu, rồi bảo:

- Em gỡ dưới mái che, lấy áo váy ra mà mặc.

Cô út nhìn quanh ngơ ngác, ngỡ A Lé nói quẩn. Cô ngồi thụp xuống góc bè. Tiều A Lé lại nhắc:

- Đi thay áo, thay váy đi, áo váy đã có sẵn dưới mái che bè ấy.

Mái che do chính cô út lợp bằng lá chuối làm gì có áo, có váy ở đó? Nhưng nghe A Lé giục, cô út nể lòng, đứng lên sờ tay vào mái lá. Chẳng ngờ chuyện có thật. Ở ngay trong lớp lá chuối cô mới lợp lên có mấy bộ áo váy đẹp để sẵn. Cô gái mừng rỡ, mặc áo váy đẹp vào người.

Tiều A Lé lại bảo:

- Em đói rồi. Từ sáng đến giờ em đã ăn gì đâu.

Lòng cô út rộn lên, quên cả đói:

- Em còn no. Ngày mai em sẽ lên rừng đào củ, hái trái về, hai ta cùng ăn.

A Lé xoay người nói:

- Chẳng phải đợi đến sáng mai. Em đói rồi thì cứ lấy cơm canh trên góc mái xuống mà ăn.

Khi cô gái với tay lên góc lán lấy thức ăn thì ngay trên liếp bè phía gần sau lưng cô chợt bùng lên một bếp lửa.

Cô gái bưng cơm canh xuống, ngồi bón cho Tiều A Lé và cả mình cũng ăn bên bếp lửa bập bùng, ấm cúng. Sự lạ ấy ban đầu làm cô út ngỡ ngàng, nhưng lâu dần cũng quen đi. Ngày qua ngày, cô út được ăn no lại có áo váy đẹp, cô càng trở nên xinh đẹp hơn.

Mỗi ngày một lần, cô út vào rừng kiếm lá, đào rễ cây thuốc về chữa chạy bệnh tình cho Tiều A Lé. Thấy cô gái chăm sóc mình vậy. A Lé nói:

- Bệnh của tôi khó lành lắm. Em đi vậy tốn sức nhiều quá!

Nghe A Lé nói vậy, cô út chỉ cười.

o0o

Chuyện lạ về Tiều A Lé và ôc út đã lọt vào mắt những người tò mò, lại từ miệng người này, sang tai người nọ rồi đến tai A Nha.

Lúc giận, A Nha đuổi cô út đi nhưng lúc con đi xa rồi thì niềm thương, nỗi nhớ như con kiến bò, như con ong đốt bụng A Nha. Duy chỉ có lòng ghét con người ghẻ lở, bẩn thỉu đã rủ rê con gái ông thì vẫn còn nguyên vẹn. Nay nghe tin con gái sống đầy đủ, lòng A Nha có êm êm, bớt nỗi lo đôi chút.

Bỗng đâu có một lũ Nhắc(2) từ phía rừng đang đêm vào cướp bản. Chúng giết trẻ con, đánh bọn người lớn và vơ vét hết của cải nhà A Nha.Trong cơn hoạn nạn, A Nha và những sống sót trôi dạt tận đâu đâu.

Tin đó đến tai cô út và Tiều A Lé. Cô út khóc ròng còn A Lé chỉ nín thinh.

Một hôm, như thường lệ, cô út lại vào rừng lấy thuốc. Mãi đến lúc mặt trời chạy quá nửa vòng đầu, gác ngay vành tai, cô út lại lán, không còn thấy Tiều A Lé đâu.

Lục quanh lán, thấy típ cơm đã xắn ăn mất một nửa, bát canh cũng vơi đúng một nửa, cô út rất lo lắng. Đã có bao giờ Tiều A Lé tự xúc cơm ăn đâu? Hay đã có một người nào đến đây mang A Lé đi mất? Cô út sờ tay lên mái lán, lại thấy mình có thêm nhiều bộ áo váy mới. Cô sờ tay vào góc lán, lại thấy trên tay nặng trĩu. Từ đó, cô kéo ra đúng một gùi gạo với nhiều miếng thịt khô, một ống muối đầy.

“Thôi phải rồi, Tiều A Lé đi đâu đây, nên đã lo đủ cho mình cái ăn cái mặc trong những ngày chờ, những đêm nhớ”. Nghĩ vậy rồi, cô út lấy típ cơm, bát canh ra ăn.

o0o

Lại kể về Tiều A Lé.

Khi cô út vào rừng thì A Lé bỗng ngồi dậy và hiện nguyên hình là một chàng trai đẹp, khỏe. Vấn chiếc khố đỏ gọn gàng, giắt đầy một ống tên dài, Tiều A Lé ăn hết một nửa phần cơm canh, rồi cầm giáo, mang ná nhảy lên bờ, đi về phía bản A Nha.

Từ xa, chàng đã nhìn thấy bọn Nhắc đông vô kể. A Lé giương ná, lắp tên, bắn vèo một mũi giết một lúc hai đứa. Lũ Nhắc thấy vậy nháo nhác cả lên.

Lại một mũi tên nữa bay vèo vào bản, xuyên chết thêm hai đứa. Thằng Nhắc cầm đầu đã nhận ra phía mũi tên bay tới bắn lén bọn chúng. Hắn gầm lên như tiếng gầm của con hổ đực, gọi tất cả bè lũ phóng lao về phía Tiều A Lé.

Hàng trăm mũi lạo nhọn thi nhau bay về một góc rừng. A Lé vung giáo lên đỡ, gạt các mũi lao. Các cây lao bị gạt đều gãy vụn ra, bay trở lại đường bản, biến thành một trận mưa chông, mưa tên, trút ào ào vào đầu lũ Nhắc. Thềm nhiều thằng Nhắc nữa chết trong trận mưa chông, mưa tên dữ dội đó.

Lũ Nhắc nhận ra kẻ thù của chúng có sức mạnh kì lạ. Chúng bèn chạy vào hẻm núi để dựa vào gốc cây, bờ đá chống lại. Tiều A Lé múa giáo đuổi theo, giết thêm không biết bao nhiêu thằng Nhắc khác. Lũ Nhắc sống sót đã lần được một lèn đá dốc đứng, thấy Tiều A Lé đã chạy đuổi đến sát dưới chân, chúng hè nhau xô những hòn đà to như những con trâu đực, con lợn rừng từ trên cao nhào xuống.

Tiều A Lé buông giáo, giơ tay đỡ những hòn đá to tướng ấy, nhẹ nhàng ném bật trở lại đỉnh lèn, tạo nên những tiếng sấm , tiếng sét ầm ầm làm rung chuyển, đổ sụp cả đỉnh lèn, giết chết hết lũ Nhắc.

Leo lên đỉnh lèn đã bị đánh đập tan hoang, mỗi tay Tiều A Lé xách thêm năm xác thằng Nhắc chết, đem về rải ra khắp bản.

Cô út thấy một chàng trai to lớn, ngực rộng, lưng dài, mắt sáng hiện ra trên bến nước, thì hoảng hốt thu mình lại trong góc lán. Người con trai ấy gọi lớn:

- Em ơi! Tiều A Lé đã về đây!

Cô út bưng mặt khóc nức nở, chối từ:

- Anh đi đi! Anh không phải là Tiều A Lé của tôi. Tiều A Lé của tôi khác cơ.

Chàng trai cười:

- Thì chính anh đây chứ còn Tiều A Lé nào nữa?

Cô út quay lưng lại người trai lạ và khóc to hơn:

- Ôi! Tôi đương mỏi mắt chờ Tiều A Lé tôi về! Lá thuốc tôi đã kiếm về đây. Anh là ai? Anh đi đi, đừng đến đây phá tổ, đạp hang của chúng tôi!

Tiều A Lé bước lên bè nghiêng hẳn về một bên. Cô út hoảng hốt kêu to:

- Ối! Ối!

Tiều A Lé chợt biến thành chàng trai ghẻ lở ngồi trước mặt cô út. Cô út mừng rỡ, reo lên!

- Ôi! Tiều A Lé!

Cô nắm lấy bàn tay nhớp nháp của A Lé. Bỗng dưng con người ghẻ lở ấy biến mất. Như trong mơ, cô út đang nắm bàn tay đen rám, chắc nịch của người con trai khỏe mạnh. Chàng nói:

- Em đừng sợ. Anh không còn ghẻ lở nữa. Giàng đã cho anh mang cái lốt bẩn thỉu ấy về do lòng tốt của con người trên miền đất này. Em là người rất tốt, tốt nhất trên thế gian. Anh cùng em làm vợ, làm chồng.

Cô út mừng vui vô hạn, nước mắt cứ trào ra. Hai bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại của cô cứ nắm chặt bàn tay to bè, nâu rám cuồn cuộn gân của chàng trai.

Tiều A Lé kể chuyện mình đã đi giết xong lũ Nhắc cứu bản A Nha cho vợ nghe, cô út càng hởi lòng, hởi dạ. Nghe chồng kể, tưởng mình đang trong cơn mơ.

Hồi lâu, Tiều A Lé nhìn vợ và bảo:

- Em à! Anh giết xong Nhắc nhưng chưa tìm được A Nha. Con nai vàng làm sao gọi được bầy hươu lạc trở về.

Cô út còn trong cơn xúc động nói với Tiều A Lé:

- Tiều A Lé à! Lá xanh mắc trên cành, lá vàng rơi cũng chỉ rơi về cội. Anh cho em đi tìm cha em và dân bản về.

A Lé gật đầu bảo:

- Anh đã nghĩ thế nên anh đem xác Nhắc rải khắp đường bản làm dấu cho em về lại với cha.

Sáng hôm sau, Tiều A Lé cùng cô út quay về phía bản, len lách khắp rừng rậm, núi cao, hú gọi A Nha và dân bản trở về.

Nghe tiếng hú quen, dân bản lục tục kéo về.

Gặp lại cô út, nghe cô kể chuyện Tiều A Lé đã giết hết Nhắc, dân bản còn nửa tin, nửa ngờ. Nhưng khi về bản thấy xác Nhắc nằm chết ngổn ngang, họ mới tin đó là chuyện thật và cử người đi tìm A Nha.

Trong niềm vui được thoát nạn, A Nha càng thêm xót xa về việc làm của mình đối với con gái út trước đây. A Nha cúi mặt, lau nước mắt nói:

- Của cải, trâu bò, cái nhà sàn đẹp che mất con mắt nhìn, làm bẩn tấm lòng cha đối với con.

Dân bản thì vây quanh Tiều A Lé, người sờ vai, kẻ nắm từng cuộn thịt trên bắp tay, trên tấm ngực rộng của chàng. Mỗi người một tiếng khen, có cả tiếng cười, cả những giọt nước mắt mừng vui.

- A Nha à! Con ong làm nên mật mới biết tìm hoa. Hoa La Giong(3) đẹp đấy, nhưng con ong có đến đâu? Hoa Ma koong(4) rơi trên mặt đất ta chỉ ngửi ra mùi hắc mà con ong bâu vào lấy nhụy, lấy phấn, hút mật là tại làm sao? Con út nhà A Nha khác lũ ta ở chỗ đó. Nay A Nha tính sao?

A Nha ngẩng lên, chậm rãi nói:

- Người già nói trúng bụng nghĩ của ta rồi.

Dân bản nghe thế đều vui. Mỗi người một tiếng nói vun vào. A Nha nói tiếp:

- Con gái ta như con chim không biết chọn cành cây gửi tổ. Ta thương nó, dân bản thương nó. Ta biết ơn nó, dân bản biết ơn nó. Còn nó lại bảo nhờ Tiều A Lé. Bụng ta với dân bản cùng một bụng như nó. Nó nhận Tiều A Lé làm chồng, ta nhận Tiều A Lé làm rể, dân bản có nhận Tiều A Lé về ở chung với dân bản không? Người già, dân bản có muốn cho ta làm lễ cúng Giàng không?

Thấy dân bản đều vui vẻ nhận điều tốt lành, ngay ngày hôm sau, A Nha cùng dân bản giết trâu ăn mừng đã trừ được Nhắc và làm luôn lễ cưới cho cô út với Tiều A Lé.

Người già và dân bản đều muốn A Lé làm Xuất (5) làm người mạnh giữ tên ngày vui, giấc ngủ cho dân bản. A Nha trao cả gia tài cho vợ chồng cô út coi giữ cho dân bản vui lòng.